Một Số Kinh Nghiệm Đạt Học Bổng Khuyến Khích Học Tập

❗ Lưu ý:

👉 Để bạn luôn cập nhật tin tức mới nhất, mỗi khi vào trang web, bạn nên ấn nút F5 hoặc nút tải lại trang ở góc trên cùng bên trái (nếu sử dụng máy tính, laptop).

👉 Nếu bạn sử dụng điện thoại thì tìm nút tải lại trang của trình duyệt bạn đang sử dụng. Nếu không tải trang thì bạn sẽ xem tin tức cũ (sẽ sai sót - nếu có cập nhật sau này). Xin cảm ơn ❤


👋 Chào các thành viên của đại gia đình Mở :> Nay là ngày Sài Gòn mở cửa lại rồi. Ngẫm nghĩ trong 4 tháng qua, chủ thớt bài post này trụ nổi tài chính cũng nhờ một phần từ học bổng của trường í. Ngoài số tiền rủng rỉnh mà học bổng mang tới, sinh viên chúng mình sẽ có động lực học tập ở từng kỳ và cơ hội trau chuốt điểm trung bình tích lũy (GPA) hơn.

Bài post này viết chủ yếu chia sẻ đến các bạn K21, song đó là K20, 19 và 18 có thể tham khảo, nên tớ (K17) xin phép được xưng “chị” cho gần gũi với các bạn nhé.

Chị là Diệu Nhân, K17 chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Tiếng Anh, ngành Ngôn Ngữ Anh, khoa Ngoại Ngữ. Sau một số kỳ được nhận học bổng khuyến khích học tập (HBKKHT) của Khoa, chị đúc kết được một số điều cần lưu ý khi bản thân đặt ra mục tiêu đạt học bổng ở từng kỳ học.

Thực ra thì từ lúc mới là tân sinh viên, chị không nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm về học bổng đâu, vì suốt 3 năm cấp 3 chị cũng là học sinh khá thôi và không có gì nổi trội, thậm chí qua HK2 năm nhất chị còn không biết trường có học bổng nữa cơ. Tuy nhiên, lên đại học rồi chị thấy bản thân rất may mắn đã được học trong môi trường mà mình yêu thích, và có cơ hội khám phá được tiềm năng học tập của mình, nên hiện GPA của chị cũng đạt được mức mình theo đuổi (3.6/4.0).

👉Phần đầu của bài viết là những chia sẻ chung cho toàn bộ các bạn sinh viên có mong muốn đạt HBKKHT. Phần note ở sau sẽ là một số lưu ý cho các bạn ngành Ngôn Ngữ Anh khoa Ngoại Ngữ do chị đúc kết được.

Chị sẽ không gọi là “bí kíp” hay “tips” vì thực ra không có một con đường tắt nào để có được học bổng mà không nỗ lực cả. Tuy vậy, đây là mục chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để các em tham khảo, chị không đưa ra công thức chung, nên nếu không thấy phù hợp với bản thân thì đừng ngại thử cách khác nhé.

I. TÌM HIỂU CÁC YẾU TỐ ĐỂ CÓ CƠ HỘI ĐƯỢC NHẬN HBKKHT

Hiểu biết về học bổng là bước đầu tiên để tăng cơ hội nắm học bổng trong tay. Các em có thể xem chi tiết đối tượng, điều kiện, mức HBKKHT… ở đây nhen:

Nhìn chung thì 2 loại này tương tự nhau. Mình sẽ chú ý những điều sau đây:

1. Xếp loại học bổng (tiêu chí ưu tiên 1)

  • Xuất sắc (100% học phí), giỏi (70%), khá (50%)
  • Xét cả điểm trung bình và điểm rèn luyện.

2. Điểm trung bình học kỳ thang điểm 4.0 (ưu tiên 2)

  • Xuất sắc (3,60 – 4,00)
  • Giỏi (3,20 – 3,59)
  • Khá (2,50 – 3,19)

Tuy nhiên muốn an toàn thì nên đặt mục tiêu 3.20 trở lên hen.

3. Điểm rèn luyện (ưu tiên cuối cùng)

  • Xuất sắc (90-100/100 điểm)
  • Giỏi (80-89)
  • Khá (65-79)

1 năm có 2 đợt xét điểm rèn luyện: [HK3 năm trước + HK1 năm nay] và [HK2], nhưng có tới 3 đợt xét HB tương ứng với 3 học kỳ, nên các bạn đừng bỏ học kỳ 3 nha, vừa có cơ hội có học bổng mà còn tránh bị trễ môn.

4. Đăng ký đủ môn học trong chương trình học ở học kỳ đó

Giờ các em có thể tham khảo chương trình học trực tiếp trong tiện ích sinh viên của mình í. Chú ý xem chương trình học thật kỹ nhé.

5. Không rớt môn nào (dưới 4đ)

6. Các môn học vượt, trả nợ môn, học lại sẽ không được tính xét học bổng ở học kỳ đang xét

7. Điểm thang 10 quy qua thang 4

Các em nên tính trước để điểm môn này hụt thì đầu tư cho môn khác để bù trừ qua:

  • 8.5 – 10 = 4.0
  • 8.0 – 8.4 = 3.5
  • 7.0 – 7.9 = 3.0
  • 6.5 – 6.9 = 2.5

Điểm rèn luyện sẽ ảnh hưởng đến xếp loại học bổng, nên các em ráng đạt ít nhất 65 điểm để không lỡ mất cơ hội nhận học bổng nhen. Mức an toàn sẽ là 80 trở lên để khi học lực của em đạt loại giỏi thì sẽ không bị điểm rèn luyện kéo xuống khá.

Lần đầu tiên chị bị mất học bổng là do không biết điểm rèn luyện có ảnh hưởng nên không tham gia hoạt động tích đủ 65 điểm í, rất là tiếc luôn.

Tùy vào học phí của từng kỳ học và tổng số sinh viên trong ngành/chuyên ngành thì số sinh viên được nhận HB sẽ khác nhau, mức tiền nhận cũng sẽ khác nhau qua từng kỳ. Vậy nên nhiều khi mình đủ điều kiện, nhưng vì giới hạn số lượng được nhận nên xu cà na bị cắt mất.

II. “NẮM THÓP” CÁC MÔN HỌC

Mỗi môn đều có đề cương môn học, thường được đăng tải trên website của các Khoa. Việc đọc đề cương trước kỳ học mới sẽ giúp các em có cái nhìn tổng quát về môn mình sắp học, và các cách thức đánh giá kiểm tra mà giảng viên (có thể) áp dụng khi học. Một môn thường có nhiều đợt đánh giá khác nhau qua làm nhóm thuyết trình, làm dự án, viết luận, làm trắc nghiệm… và phần trăm điểm quá trình trong lớp của em sẽ được chia nhỏ theo mỗi đợt tính điểm (ví dụ thuyết trình 40%, làm trắc nghiệm 30%, bài tập online 20%, điểm danh 10% chẳng hạn).

Hiểu được điểm quá trình 1 môn sẽ giúp em dàn sức mình ra, và đỡ bỏ sót điểm đáng tiếc, đây là bước đệm để em có cơ hội học tốt môn đó í. Ở buổi đầu mỗi môn, giảng viên sẽ giới thiệu về môn học, nội dung và cách thức kiểm tra đánh giá. Vào buổi cuối, thường sẽ công bố và chỉnh sửa điểm nếu có sai sót, sau buổi này không sửa điểm quá trình được nữa. Nên tuyệt đối không nên cúp buổi đầu tiên và cuối cùng nhen.

😉 Theo cách học của chị, điểm mấu chốt đầu tiên không phải ở chỗ chị có thể nhớ và hiểu tất tật kiến thức của môn, mà thường sẽ quét qua nội dung rồi tìm ra cái lõi, hoặc mò dựng được khung sườn của môn, sau đó gắng nắm chắc nội dung cơ bản và hiểu được mối liên hệ của các mẩu kiến thức. Thường chỗ nào được thầy cô nhắc lại nhiều lần phần lớn sẽ là điểm quan trọng, và các nội dung khác xoay quanh đó cũng phải nắm.

Sau khi xâu chuỗi được các kiến thức với nhau thì nhiều khi chị cảm ra được một số “quy luật”, lúc này quá trình nhớ và hiểu nội dung môn sẽ dễ dàng và mượt hơn. Chị là kiểu người logician (INTP theo MBTI test) nên thích học qua quy luật, khung sườn mình tự rút ra. Em có thể tự tìm hiểu xu hướng học của mình mà chọn một cách học phù hợp nhé.

III. CHĂM CHỈ ĐÚNG CÁCH

Sau khâu nắm nội dung thì việc ôn tập rất quan trọng, nhất các thời điểm kề cận các kỳ kiểm tra đánh giá đòi hỏi kiến thức sâu và thi tập trung. Thường kỳ thi tập trung cuối kỳ chiếm 30-40% điểm môn học (điểm môn học gồm điểm quá trình và điểm cuối kỳ tính theo phần trăm), nên có thể kéo điểm môn lên hoặc xuống chỉ sau một bài thi. Trước mỗi kỳ thi/ kiểm tra, nên lên lịch ôn sẵn trong tuần hoặc trong vài tuần nhen.

Các môn có thi tập trung cuối kỳ sau khi biết điểm quá trình thì mình sẽ ướm chừng được mức điểm trung bình học kỳ, rồi vạch được kế hoạch ôn bài để đạt được mức mong mong đó. Thường một nội dung chị phân bổ ra ôn cỡ 1-3 ngày để kế hoạch không bị quá “vụn”, cũng không quá dài gây ngán.

Việc chia nhỏ nội dung để ôn dần cho tới khi thi giúp mình đỡ phải ôm quá nhiều kiến thức chạy một lúc, ngoài ra còn đỡ nản nữa. Đối với các môn nhiều khái niệm, từ chuyên ngành thì phải ôn thường xuyên nhiều hơn nữa í. Với mỗi nội dung nhỏ đã ôn qua, mình có thể tự thưởng cho bản thân ly những thứ be bé như ly trà sữa hoặc chốt đơn shopee (đùa đấy đừng nghe theo 🤡) để có động lực hoàn thành dần chặng đường.

Mặc dù chị được thầy cô đánh giá là khá chăm chỉ trên lớp, chị không học hay ôn mọi lúc ở nhà. Chính mẹ chị cũng bảo ít thấy chị học còn chê lười 😅 Vì nhiều kiến thức gắng học hiểu ngay trên lớp, về chị chỉ có kế hoạch ôn lại ngắn thôi. Được cái là chị rất thích kiến thức được truyền tải trực tiếp từ thầy cô, nên có tâm huyết hoàn thành lắm hoho. Những khoản thời gian dành cho bản thân, các mối quan hệ, công việc làm thêm, và cả việc tham gia các hoạt động vẫn phải có í, miễn là phân bổ thời gian hợp lý là được nè.

Nhớ thường xuyên cập nhật điểm môn học sau thi nhé, để có sai sót thì mình còn có thời gian xin phúc khảo điểm.

IV. BIẾT MÌNH Ở ĐÂU GIỮA ĐÁM ĐÔNG

Như đã đề cập trước đó, số lượng có hạn xét từ trên xuống nên không phải cứ đạt loại học bổng là được nhận. Những bạn xung quanh em là yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng tới việc xét học bổng í, nhưng đôi khi em sẽ không biết mình đang ở mức nào so với các bạn vì điểm không được public.

Tuy nhiên thì có một cách để biết, đó là xem bảng điểm gốc. Em google "xem điểm gốc ou", vào trang đầu tiên có giao diện tra cứu từ hệ đào tạo tới nhóm lớp đăng ký nhé, không cần nhập ngày cập nhật. Một lưu ý to oạch là em chỉ nên xem điểm, KHÔNG ĐƯỢC TỰ TIỆN PUBLIC ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC lên các nền tảng mạng xã hội nếu không dễ bị ăn report nha.

Bảng điểm gốc đa phần được đăng tải sau khi thi học kỳ khá lâu, nên chị dùng để tham khảo ở các môn đã học xong để rút kinh nghiệm cho các môn sau, nhất là các môn chuyên ngành có liên hệ với nhau í.

Ngoài ra trang này còn dùng để đối chiếu điểm trên tienichsv và điểm do thầy cô ghi nhận vào bảng điểm, để quyết định có nên phúc khảo điểm hay không nếu có. Điều quan trọng cần nhắc lại là không sử dụng trang web này để public điểm của người khác khi chưa có sự đồng ý nhen.

V. NHẬN HỌC BỔNG THÔI

Nếu đã nhắm được mình có cơ hội nhận được HBKKHT, thì theo dõi trên page của Khoa hoặc chỗ thông báo học bổng ở website của Khoa em nhen. Sẽ có một đợt học bổng dự kiến và sau đó là danh sách chính thức, nên nếu em thấy mình đủ điều kiện nhưng chưa có tên trong danh sách dự kiến thì có thể gửi form xin xét. Nếu qua khoảng thời gian cho phép nhưng em chưa kịp gửi thông tin thì sẽ bị loại rất đáng tiếc.

Lưu ý là chỉ có tên trong danh sách chính thức đã gửi thông tin đầy đủ thì mới nhận được học bổng thui nhen, còn ở danh sách dự kiến thì vẫn có tỉ lệ mình bị xu cà na, nhất là các bạn ở dưới dưới cuối danh sách.

Trường hiện chuyển học bổng qua tài khoản Nam Á. Các em nên đăng ký sẵn, đăng ký cả SMS để mình biết khi nào học bổng về, chụp lại thẻ thành viên lúc tạo tài khoản, hoặc chụp sao kê từ máy ATM hay màn hình online banking để thuận tiện sau này dễ gửi thông tin nhe. Học bổng về khá lâu, cỡ 1-3 tháng sau tùy đợt lận, nên cứ thong thả tới ngày điện thoại ting ting là được :>

Nếu kỳ này chưa nhận được học bổng, còn các kỳ sau để em giật lấy cơ hội, đừng nản nghen. Và không phải rớt học bổng là dở đâu, nên đừng cảm thấy tự ti vì em chưa có học bổng, nhiều yếu tố tác động lắm í. Cái chính là mình tích lũy được kiến thức cho bản thân, điều này quan trọng hơn nhiều nhen.

🌻 NOTE CHO NGÔN NGỮ ANH ĐẠI TRÀ:

  • Khi học xong các môn kỹ năng thì nên lên kế hoạch ôn để thi đầu ra C1, chỉ tốn 150k/lần thi (năm 2020), thường thi 2-3 lần là đậu tùy năng lực của em, tốt hơn nữa là chỉ cần qua 1 đợt thi là xong. Vậy nên mình sẽ phòng hờ được lên năm 3-4 kiến thức chuyên ngành nặng không có thời gian ôn, hoặc chưa thi IELTS được.

  • Nên hoàn thành ngoại ngữ 2 trước HK2 năm 3 theo kế hoạch học ở trường hoặc sớm hơn, mặc dù điểm ngoại ngữ 2 không xét học bổng. Kiến thức năm 3-4 quan trọng và khá nặng nên đừng để ngoại ngữ 2 làm các môn chuyên ngành trì lại, cũng như các môn chuyên ngành chiếm thời gian học ôn ngoại ngữ 2.

  • Các môn 2 chỉ của ngành cố gắng đạt 3.5 trở lên nhe.

📝 RECAP: Ba điểm chính chị đúc kết khi muốn đạt HBKKHT là (nắm môn học) + (chăm chỉ kiên trì) + (nhận biết tình hình chung). Qua bài viết, chị mong các em có thể tìm ra cách học phù hợp của bản thân để vừa có kiến thức, vừa có tin nhắn học bổng ting ting về nhé.

Ai đọc tới đây xứng đáng nhận 10 kỳ học bổng 👉👈 Hổng share được thì bên tường nhà chị có nhen

image.png

Cre: Diệu Nhân - Sinh viên Đại học Mở Tp.HCM - HCMCOU


❓ Nếu bạn có câu hỏi hay thắc mắc, bên phải có icon tin nhắn để bạn comment (nếu sử dụng máy tính) hoặc lăn xuống phía dưới cùng để comment nhé !

👉 Tham gia group Sinh viên Đại học Mở Tp.HCM - HCMCOU để biết thêm nhiều điều mới mẻ: Tham gia ngay !

🌐 Trang tin tức Sinh viên Đại học Mở Tp.HCM: tintuc.oucommunity.dev

🌐 Website tổng hợp thông tin tuyển sinh: oucommunity.dev